Trường Tiểu học Kỳ Liên - Thị xã Kỳ Anh

http://thkylien.thixakyanh.edu.vn


CLB TIẾNG ANH: NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA CỦA MÂM NGŨ QUẢ NGÀY TẾT

CLB TIẾNG ANH: NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA CỦA MÂM NGŨ QUẢ NGÀY TẾT
         Thiết thực chào mừng 92 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2022) và mừng xuân Nhâm Dần 2022, Liên đội trường Tiểu học Kỳ Liên đã tổ chức thành công chương trình “Xuân ấm yêu thương”. Chương trình mang đến cho các em học sinh cơ hội được tìm hiểu, trải nghiệm về văn hóa, phong tục ngày Tết cổ truyền Việt Nam; đồng thời là dịp để các em bày tỏ tình yêu thương, sự sẻ chia với các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn trước dịp Tết Nguyên Đán sắp đến gần. Phối hợp cùng Liên đội, ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Tiếng Anh lớp 5C đã giới thiệu đến các thành viên nguồn gốc và ý nghĩa của mâm ngũ quả trong ngày Tết.
 

         Mâm ngũ quả là một phần không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam. Trước là thờ cúng tổ tiên, sau là ước mong năm mới được an khang, thịnh vượng hơn năm trước. Mỗi loại quả khi bày trên bàn thờ đều có ý nghĩa riêng, vì vậy mỗi gia đình sẽ có một cách bài trí riêng để gửi gắm ước nguyện, cầu mong của mình trong năm mới.
 

         Mở đầu, các em được cô giáo giới thiệu tên các loại quả trong Tiếng Anh. Qua đó giúp các em mở rộng vốn từ, cũng như biết cách phát âm đúng tên của các loại quả.
 


         Ở phần hai, các em được tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa của mâm ngũ quả và cách bài trí mâm ngũ quả ở ba miền Bắc, Trung, Nam. Mâm ngũ quả là một mâm có năm loại trái cây khác nhau, thường được các gia đình Việt chuẩn bị để dâng lên bàn thờ trong những ngày Tết Nguyên Đán. Thông qua tên gọi của năm loại trái cây, mỗi gia đình đều gửi gắm vào đó những mong muốn khác nhau cho năm mới.
 

         Ngũ là năm, là biểu tượng chung của sự sống. Ngũ quả thể hiện được sự đầy đủ các loại trái cây trong đất trời dùng để thờ cúng. Chọn 5 thứ quả theo quan niệm người xưa là ngũ hành ứng với mệnh của con người (Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ).
 

         Chọn số lẻ tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi. Quả là biểu tượng cho sự sung túc với hình tượng mỗi quả là vũ trụ, bên trong quả có chứa hạt, tượng trưng cho sao, mang ý nghĩa sinh sôi trường tồn và tái sinh bất tận của sự sống.
 

         Do vị trí địa lý của người Việt có sự khác biệt và thay đổi theo vùng miền nên mâm ngũ quả cũng được trình bày với các loại quả và hình thức khác nhau.
Mâm ngũ quả của người miền Bắc thường gồm những loại quả phổ biến:
Chuối: mang ý nghĩa như bàn tay ngửa để che chở đem lại sự bình an, sung túc, đùm bọc và gắn kết.
Lê: có vị ngọt thanh, ngụ ý việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ.
Cam, quất: bày quất trên mâm ngũ quả ý nghĩa mang lại sung túc, ăn nên làm ra, dồi dào sức sống.
Lựu: lựu có nhiều hạt, tượng trưng cho con cháu đầy đàn.
Phật thủ: có hình dạng đặc biệt như những bàn tay của Phật, che chở bảo vệ cho gia đình.
Táo: tượng trưng cho sự phú quý, giàu sang.
Bưởi: bưởi căng tròn, mát lạnh, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn trong cuộc sống.
Cam, quất: Bày quất trên mâm ngũ quả ý nghĩa mang lại sung túc, ăn nên làm ra, dồi dào sức sống.
Lê- ki- ma (Quả trứng gà): ý là lộc trời cho.
 

         Dải đất miền Trung thường gặp phải thiên tai nên đất đai cũng không được màu mỡ, ít cây trái. Vì vậy, mâm ngũ quả của người miền Trung rất đơn giản, không câu nệ hình thức, có gì cúng nấy, miễn thành tâm là được.
Dừa: có nghĩa là không thiếu, một cuộc sống đủ đầy.
Quả sung: gắn với biểu tượng sung mãn về sức khỏe hay tiền bạc.
Đu đủ: mang đến sự đầy đủ thịnh vượng.
Hồng, quýt: tượng trưng cho sự thành đạt.
Thanh long: rồng mây gặp hội, gặp nhiều may mắn.
Bưởi, dưa hấu: căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn.
Xoài: cầu mong cho tiêu xài không thiếu thốn.
Ngoài ra, mâm ngũ quả của người miền Trung còn có táo, chuối, phật thủ, lựu, quả trứng gà, …

         Mâm ngũ quả người miền Nam thường gồm các loại quả:
Quả mãng cầu: cầu mong năm mới đủ đầy, sung túc.
Dừa: căng tròn, mát lạnh, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn trong cuộc sống.
Sung: thể hiện mong muốn có sự sung túc, tròn đầy, sung mãn về sức khỏe hay tiền bạc.
Đu đủ: biểu tượng của đầy đủ, thịnh vượng.
Xoài: cầu mong cho việc tiêu xài không thiếu thốn.
Bên cạnh đó, người miền Nam không thờ cúng một số loại trái cây có cách phát âm mang ý nghĩa không tốt như chuối, lê, cam, quýt. Họ cho rằng những loại trái cây đó sẽ không mang lại điều may mắn.
 
 
         Đây là lần đầu tiên câu lạc bộ Tiếng Anh lồng ghép hoạt động vào chương trình của Liên đội, tuy nhiên đã lan tỏa được tình yêu quê hương, đất nước cũng như giúp các em mở rộng vốn kiến thức, phát triển tích hợp các kỹ năng. Ban chủ nhiệm câu lạc bộ sẽ cố gắng hơn nữa để mang đến những hoạt động thiết thực cho các em.
 

Tác giả bài viết: Trương Thị Trang, Nguyễn Thị Cẩm Vân

Nguồn tin: Trường TH Kỳ Liên: http://thkylien.thixakyanh.edu.vn:

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây